NGƯỜI NÀO KHÔNG NÊN BỔ SUNG VITAMIN, CHẤT KHOÁNG
Gần dây các loại thuốc bổ nhiều vitamin và khoáng chất đã bị lạm dụng. Tuy nhiên không phải lúc nào thuốc bổ cũng phát huy tác dụng, mà ngược lại các vitamin và khoáng chất có thể khiến một số bệnh nặng hơn. Các bạn cần tham khảo bài viết sau:
Bệnh vảy nến chớ dùng quá nhiều vitamin A
Một trong số những loại thuốc được sử dụng phổ biến được điều trị bệnh vảy nến là nhóm thuốc retinoids (dạng viên hoặc kem dưỡng da). Nó có tác dụng điều tiết tăng trưởng tế bào da, nhưng vảy nến lại tăng trưởng mạnh làm cho da đỏ và tạo thành những vảy mới dạng bạc. Lý do của hiện tượng này là vì retinoids có chứa một dẫn xuất là vitamin A giúp duy trì da phát triển và nếu dùng quá nhiều vitamin A có thể gây độc. Do vitamin A là loại dưỡng chất hòa tan trong chất béo (mỡ) nên có thể lưu lại trong cơ thể, tích tụ trong gan gây hại cho cơ thể.
Vitamin B3 làm tăng đường huyết
Vitamin B3 giúp giảm lượng cholesterol, giúp ích cho quá trình tuần hoàn máu và hệ thần kinh. Nhu cầu Vitamin B3 hàng ngày của người trưởng thành là từ 15-18 mg. Nhưng với người bệnh đái tháo đường nếu dùng vitamin B3 hàng ngày, do vitamin B3 phân giải glycogen nên làm tăng đường huyết. Do đó, người mắc bệnh đái tháo đường cần lưu ý điều chỉnh liều dùng thuốc kiểm soát đường huyết khi phối hợp vitamin B3.
Bệnh thận và ung thư tiền liệt tuyến nên tránh dùng canxi
Bệnh nhân bị ung thư tiền liệt tuyến thường được điều trị bằng liệu pháp hormon để ngăn quá trình sản xuất testosteron. Liệu pháp này có tác dụng phong bế sản xuất testosteron gây tăng tái phát ung thư. Nhưng testosteron lại rất quan trọng trong việc tạo dựng sự cứng chắc cho bộ xương của cơ thể. Vì thế, bệnh nhân thường được bổ sung canxi củng cố hệ xương khi mà lượng testosteron bị ngưng trệ. Tuy nhiên, đã có nghiên cứu chỉ ra rằng, bệnh nhân nam dùng liệu pháp hormon có bổ sung canxi liều lượng 500 – 1000mg canxi mỗi ngày, không khiến xương khỏe hơn mà thậm chí còn bị giảm mật độ xương. Vì vậy, người bệnh ung thư tiền liệt tuyến khi dùng liệu pháp hormon thì nên duy trì hoạt động để tăng cường sức khỏe cho xương và sau giai đoạn điều trị tỉ trọng xương sẽ được phục hồi trở lại, không nên dùng canxi.
Với người có bệnh thận, việc dùng bổ sung canxi và các chế phẩm có chứa canxi hết sức cẩn trọng. Nếu dùng canxi, nhất là liều cao hơn so với khuyến cáo (700mg/ngày) có thể gây tích khoáng trong thận và lâu ngày gây sỏi thận, gây đau nếu không được tán nhỏ để trôi theo đường nước tiểu ra ngoài, thậm chí nếu nặng thì phải phẫu thuật.
Dùng liều cao vitamin E và kali, tăng nguy cơ nhập viện do bệnh tim.
Đối với bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, nếu dùng liều cao vitamin E (400UI- khoảng 363 mg/ngày) thì rủi ro mắc bệnh suy tim tăng tới 13% và 21% nguy cơ phải nhập viện vì bệnh tim. Ngoài ra, người bệnh tim không được dùng thuốc có chứa kali ở liều cao (trên 3.500mg/ngày) vì lượng kali dư thừa cũng sẽ làm tim đập nhanh và loạn nhịp tim.
Viên sủi làm giảm hiệu lực của thuốc chữa tăng huyết áp
Trong khi dùng thuốc chữa tăng huyết áp, nhiều người thường phối hợp dùng vitamin C làm tăng cường khả năng miễn dịch. Loại vitamin C dạng sủi thường được ưa chuộng hơn cả. Trong viên sủi chứa nhiều natribicacbonat (NaHCO3) làm tăng lượng Na+ như người dùng nhiều muối trong bữa ăn hàng ngày. Na+ kéo ion canxi (Ca2+) vào nhiều trong nội bào. Chính Ca2+ khi vào nội bào nhiều sẽ gắn kết với phức tropomin C, làm thay đổi cấu trúc không gian của phức hợp này, bộc lộ actin, tạo điều kiện cho actin kết hợp với phức tropomin C, làm thay đổi cấu trúc không gian của phức này, bộc lộ actin, tạo điều kiện cho actin kết hợp với myosin gây co cơ. Sự co cơ thành tiểu động mạch tăng sẽ cản trở lưu thông máu dẫn tới tăng huyết áp. Như vậy tá dược NaHCO3 trong viên C sủi làm giảm hiệu lực của thuốc chữa tăng huyết áp.
Vitamin B1 và B12 tiếp tay cho tế bào ung thư phát triển nhanh hơn
Vitamin B12: Vitamin B12 được biết đến đầu tiên với tác dụng chống lại bệnh thiếu máu có hồng cầu to (bệnh Biermer) và tiến đến các tác dụng đối với các noron thần kinh nên thường được dùng phối hợp với vitamin B1 và vitamin B6 để điều trị căn bệnh đau nhức, tê dại… Về tác dụng dược lý vitamin B12 có khả năng làm cho các tế bào tăng trưởng mạnh, vì thế bệnh nhân bị mắc bệnh thiếu máu hồng cầu to sau khi được điều trị bằng vitamin B12 đã nhanh chóng hồi phục. Nhưng với bệnh ung thư phải dùng thuốc bổ có vitamin B12 thì lại là vấn đề cần cân nhắc. Ung thư cũng là một căn bệnh mà sự phát triển các tế bào ác tính là vô tổ chức và không thể kiểm soát nổi. Các thuốc điều trị ung thư đều nhằm tiêu diệt tế bào hoặc là kìm hãm sự phát triển của tế bào. Nhưng vitamin B12 lại tác dụng ngược lại kích thích các tế bào phát triển nhanh hơn. Vì vậy, việc dùng vitamin B12 cho bệnh nhân ung thư sẽ khiến bệnh tiến triển nhanh hơn.
Người ta đã nói tới nhiều loại vitamin có khả năng phòng chống ung thư, nhưng ngược lại cũng có nhiều loại vitamin không những không góp phần ngăn chặn sự phát triển của ung thư mà lại “tiếp tay” cho các tế bào ác tính có điều kiện thuận lợi để nhanh chóng lớn lên và di căn đến nhiều nơi khác.
Vitamin B1: Một số bệnh nhân ung thư như bệnh ung thư máu (bệnh bạch cầu), bệnh ung thư đường tiêu hóa và một số khối u ác tính tiến triển nhanh đều gây ra hậu quả thiếu hụt vitamin B1. Hơn nữa, khi dùng các thuốc điều trị khối u cũng phát sinh ra sự thiếu hụt này dẫn đến những hậu quả như tê bì, suy giảm trí nhớ và tăng lượng acid lactic trong máu (gây tình trạng toan hóa máu). Vì vậy, người bệnh ung thư thường được bác sĩ chỉ định cho dùng bổ sung vitamin B1 trong quá trình điều trị. Nhưng nếu dùng quá nhiều vitamin B1 cho bệnh nhân thì lại gây ra sự tăng trưởng của các khối u làm cho ung thư tiến triển nhanh hơn.
Chính vì vậy, khi bổ sung các vitamin người bệnh không nên tự dùng, tránh lạm dụng, phải nói cho bác sĩ biết mình đang bị bệnh gì, đã và đang dùng những loại thuốc hay vitamin gì, liều lượng, thời gian kéo dài đã bao lâu để bác sĩ biết và kê đơn, tư vấn và sử dụng an toàn, hợp lý.