Trẻ chỉ ăn nước hầm xương có đảm bảo dinh dưỡng?
Canxi là thành phần quan trọng trong cấu trúc xương và răng, giúp xương phát triển vững chắc và giúp trẻ phát triển chiều cao. Trong xương có nhiều canxi nhưng đó là canxi vô cơ, cơ thể trẻ không thể hấp thụ được. Đây chính là nguyên nhân khiến trẻ còi xương, chậm mọc răng do thường xuyên chỉ ăn bột, cháo với nước hầm xương.
Chất đạm có trong thịt, cá, tôm… dù có nấu bao lâu vẫn tồn ở bã thịt. Nếu trẻ chỉ ăn nước mà không ăn cái sẽ bị thiếu chất đạm dẫn đến suy dinh dưỡng và thiếu máu. Còn các loại vitamin C, E, A, sắt, kẽm… có trong rau củ chỉ hòa tan vào nước một lượng ít, trẻ sẽ bị táo bón nếu chỉ cho ăn nước do thiếu chất xơ. Vì vậy, nên cho trẻ ăn cả phần cái bằng cách nghiền, xay hoặc băm nhỏ để đảm bảo đầy đủ chất.
Cháo, bột hoặc cơm nếu trộn với nước hầm xương mà không có rau, thịt, sẽ tạo cho trẻ cảm giác dễ nuốt. Lâu dần, trẻ sẽ hình thành thói quen lười nhai, hay ngậm thức ăn và dẫn đến chán ăn. Nhai đóng vai trò rất quan trọng đối với sự tiêu hóa thức ăn. Nhai không chỉ làm nhỏ thức ăn, trộn lẫn chúng với nước bọt chứa men tiêu hóa mà còn tác động đến hệ xương hàm của trẻ.
Để đảm bảo đủ dinh dưỡng, thức ăn cho trẻ cần phải chứa bốn nhóm dinh dưỡng sau:
– Tinh bột (gạo, mì, ngô, khoai…): Cung cấp phần lớn năng lượng, hơn 1/2 nhu cầu về đạm và vitamin mà cơ thể bé cần.
– Đạm (thịt, cá, tôm, cua…): Rất cần cho sự tăng trưởng, phát triển của trẻ.
– Chất béo (dầu ăn): Rất cần cho sự phát triển của bộ não, cung cấp nhiều năng lượng, giúp hấp thu các vitamin tan trong chất béo, đồng thời làm bột mềm, dễ nuốt.
– Các loại rau không chỉ cung cấp vitamin, sắt, các chất khoáng khác cần thiết cho cơ thể, mà còn cung cấp chất xơ giúp bé tránh được táo bón.